Giải mã điều thú vị “may mắn” của Lars Sorensen
Trong 15 năm giữ cương vị điều hành Novo Nordisk, Lars Sorensen đã mở rộng quy mô Công ty lên gấp ba lần, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu xoay quanh mức 10%,
Danh sách năm nay chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục khi Harvard bổ sung thêm hai tiêu chí đánh giá: tính bền vững cho xã hội, và tính bền vững cho môi trường, bên cạnh tiêu chí “hiệu quả tài chính” vốn đã quen thuộc. May mắn của Lars Sorensen bắt đầu từ đây. Lars Sorensen thống trị tuyệt đối ngôi đầu và tiễn Jeff Bezos của Amazon, quán quân năm 2014 xuống tận vị trí 87.
Lars Sorensen, CEO của hãng dược phẩm Novo Nordisk.
Novo Nordisk được thành lập vào năm 1923 tại Copenhagen, Đan Mạch để sản xuất insulin, một hợp chất dùng trong quá trình trị liệu bệnh tiểu đường, căn bệnh đang hoành hành hơn 400 triệu người trên thế giới. Ngày nay, công ty này đang làm chủ gần một nửa thị trường dược phẩm từ insulin toàn cầu, và mở rộng sang các lĩnh vực khác như sản xuất hóc-môn tăng trưởng, dược phẩm trị rối loạn máu đông.
“Những nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn thường nói với tôi rằng công ty tôi lệ thuộc vào căn bệnh tiểu đường bởi 80% doanh thu đến từ những sản phẩm nhằm trị liệu căn bệnh này. Và tôi nên đa dạng hóa danh mục hoạt động của công ty. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi có niềm tin bất biến rằng tôi chỉ nên làm những gì chúng tôi am tường và hiểu biết về nó mà thôi”, Lars Sorensen chia sẻ.
Tại Novo Nordisk, kết quả tài chính không phải là thước đo duy nhất, thay vào đó, nó đứng sau hai thước đo về trách nhiệm xã hội và môi trường. Chính “kiềng ba chân” này là nền tảng để tạo sự phát triển bền vững cho Novo Nordisk. Bởi lẽ, như Lars Sorensen nhìn nhận, nếu không quan tâm đến môi trường xã hội và môi trường tự nhiên vào thời điểm hiện tại thì trong tương lai, chúng sẽ trở thành vấn đề lớn về tài chính.
“Nếu một ngày nọ, nhờ sản phẩm của chúng tôi mà căn bệnh tiểu đường bị đẩy lùi, đồng thời, một mảng kinh doanh chính của chúng tôi biến mất, chúng tôi vẫn tự hào!” – Lars Sorensen từng tuyên bố và qua đó khẳng định ưu tiên chiến lược của công ty. Phong cách lãnh đạo của ông rất đặc trưng kiểu “Scandinavia”, vốn chú trọng tính đồng thuận tập thể.
Và điều này chi phối mọi quy trình ra quyết định ở Novo Nordisk. Thậm chí, Lars Sorensen có vẻ khó chịu khi được trao giải thưởng “Vị CEO hiệu quả nhất năm 2015” bởi hơn ai hết, ông luôn tâm niệm rằng thành công của Novo Nordisk không phải là sản phẩm của cá nhân ông, mà nhờ cả tập thể gần 40.000 nhân viên hiện tại, cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân viên trước đó nữa.
Để có những chiến lược đột phá, cần phải thẳng thắn nhìn vào ba sự thật sau mà dù có đau đớn thế nào cũng cần kiên định. Thứ nhất, điểm mạnh của công ty là gì. Thứ hai, những khả năng công ty hiện có là gì. Và thứ ba, ngưỡng chấp nhận rủi ro của công ty là như thế nào. “Chỉ khi ta thành thật nhìn nhận và thôi ảo tưởng hoặc chạy theo những tham vọng ngắn hạn, ta mới tìm ra được những chiến lược đột phá và đạt thành công dài hạn”, Lars Sorensen cho biết.
Trong 15 năm giữ cương vị điều hành Novo Nordisk, Lars Sorensen đã mở rộng quy mô Công ty lên gấp ba lần, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu xoay quanh mức 10%, đạt doanh số kỷ lục 14,9 tỷ USD vào năm 2013 và duy trì biên lợi nhuận trên mức 80%. Nếu nhìn vào danh sách những vị CEO trong danh sách “Những CEO hiệu quả nhất thế giới trong năm 2015” cho Tạp chí Kinh doanh Harvard bình chọn, dễ thấy rằng Lars Sorensen là một trong những người có thu nhập thấp nhất so với phần còn lại.
Thế nhưng, điều này không phải là mối quan tâm nhất của ông bởi như ông chia sẻ thẳng thắn: “Dù tôi là một trong những CEO có thu nhập thấp nhất thế giới nhưng thu nhập mỗi năm của tôi cũng tương đương thu nhập cả đời của một người lao động bình thường. Tôi không có nhu cầu gì đặc biệt hơn người bình thường cả. Nhiều vị CEO có máy bay riêng, sử dụng dịch vụ hạng thương gia, nhưng nếu tôi được lựa chọn theo ý mình, tôi không cần những thứ này, mà chỉ thích đạp xe đạp đi làm mà thôi”.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
Leave a Reply