Thông tin về ‘cậu bé khỉ’ có nhiều cổ phiếu hơn Bill Gates
Đến quá muộn trong “bữa tiệc di động”, chỉ thích hợp là người hỗ trợ thay vì chiến lược gia vạch định đường xa, là những lý do giải thích cho sự thất bại của Steve
Sinh tháng 3/1956 (Bính Thân), Steve Ballmer là một trong những doanh nhân kỳ cựu của làng công nghệ. Cùng với người bạn thân Bill Gates, cựu Chủ tịch kiêm CEO Google đã làm nên những năm tháng thăng hoa của Microsoft. Giờ đây, tuy đã rời ghế điều hành, Steve Ballmer vẫn là thành viên ban cố vấn Microsoft, sở hữu 4% cổ phiếu của công ty (nhiều hơn số cổ phần của Bill Gates tại đây), với tài sản ước tính 25,2 tỷ USD.
Ballmer vào đại học Harvard, theo học chuyên ngành toán kinh tế, ở chung phòng ký túc xá với Bill Gates. Họ nhanh chóng trở thành những người bạn thân, và giữ được mối quan hệ này ngày cả khi Gates bỏ học để theo đuổi sự nghiệp riêng. Năm 1980, Ballmer bỏ chương trình MBA của Đại học Stanford để gia nhập Microsoft cùng Gates, trở thành thành viên thứ 30 của công ty công nghệ này.
Ban đầu, Ballmer được trả lương 50.000 USD, với công việc chủ yếu là quản lý phòng ban, phát triển hệ điều hành, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Tháng 1/2000, Ballmer trở thành CEO của Microsoft.
Steve Ballmer từng đưa Microsoft thăng hoa, nhưng cũng mang tới “nỗi hổ thẹn” và sự tụt hậu đáng tiếc nhất cho ông lớn làng công nghệ. Ảnh: Business Insider.
Dưới thời cặp bài trùng Bill Gates và Steve Ballmer, bộ đôi này đã đưa Windows, một trong những thương hiệu có giá trị nhất thế giới, bước vào kỷ nguyên mới, vượt qua mọi đối thủ và mang tới kết quả kinh doanh như mơ cho Microsoft. Riêng Ballmer, với những nỗ lực bền bỉ đã giữ được Microsoft vẹn nguyên, không bị chia tách trước luật chống độc quyền tại Mỹ.
Trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của công ty, Steve Ballmer dốc sức mình trong hai thập kỷ trên cương vị giám đốc kinh doanh, đưa phần mềm Microsoft có mặt trên 97% máy tính cá nhân toàn thế giới.
Doanh số bán hàng của Microsoft tăng 10.000 lần, từ 7,5 triệu USD khi Steve Ballmer mới gia nhập công ty, lên đến 78 tỷ USD vào năm 2012, trở thành công ty nắm giữ lượng tiền mặt nhiều hơn mọi doanh nghiệp Mỹ không thuộc ngành công nghiệp tài chính.
Giống như những gì mà Microsoft xây dựng được trên thế giới, Ballmer cũng “luôn tràn đầu năng lượng, đầy ý chí chiến đấu”. Sự nhiệt tình của ông đã trở thành huyền thoại trong giới công nghệ. Ông có biệt danh là “cậu bé khỉ” sau khi video quay ông đang nhảy trên sân khấu tại một sự kiện của Microsoft được đăng tải trên mạng. Một lần, trong cuộc họp bán hàng tại Nhật Bản, ông đã hô to “Windows! Windows!” đến mức đứt dây thanh quản và phải phẫu thuật.
Dù là tỷ phú giàu thứ 21 trên thế giới, Ballmer không dùng siêu xe. Theo Wall Street Journal, Ballmer vẫn lái một chiếc thuộc dòng Ford đời cũ, bởi cha ông từng làm quản lý tại Ford Motor ở Detroit. Chính bản thân Ballmer cũng có quan hệ thân thiết với CEO Alan Mulally của Ford, người đã giúp ông lên kế hoạch tái cơ cấu Microsoft hồi năm 2012.
Sở thích của Ballmer là được chơi tại các sân golf trên khắp thế giới. Ngoài golf, người đàn ông này chỉ còn có hứng thú với một môn thể thao khác là bóng rổ, chứ hiếm khi đạp xe hay chạy bộ.
Tuy vậy, chặng đường nắm quyền tại Microsoft, mà nhất là từ sau năm 2010 cũng trở thành thất bại để đời của người đàn ông năm nay bước sang tuổi 60. Thay vì sớm phát triển công nghệ phần mềm di động, Ballmer vẫn trung thành với định hướng ban đầu là cung cấp các sản phẩm cho PC. Xbox, Windows 7 vẫn rất thành công, nhưng không đủ kéo lại cả một tượng đài, nhất là sau “nỗi hổ thẹn” mang tên Windows Vista và cái bắt tay lịch sử không mang lại giá trị thực giữa Microsoft và Nokia.
Trên phương diện phần mềm, Microsoft thua đứt iOS của Apple, cũng như Android của Google, còn trong mảng tìm kiếm, Bing chỉ có lượng người dùng bằng 1/4 so với Google. Thất bại trong việc chào mua Yahoo với giá 45 tỷ USD vào năm 2008, Microsoft không đủ sức cạnh tranh với Google và Facebook đang làm chủ cuộc chơi trong thế giới người tiêu dùng. Trong khi đó, thương vụ tiền tỷ để mua lại aQuantive ngỡ sẽ mang về thành công trong ngành dịch vụ trực tuyến, vẫn không giúp gì cho Microsoft trong việc lật đổ Google.
Đến quá muộn trong “bữa tiệc di động”, chỉ thích hợp là người hỗ trợ thay vì chiến lược gia vạch định đường xa, là những lý do giải thích cho sự thất bại của Steve Ballmer. Tháng 9/2013, Ballmer tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo của Microsoft trong vòng 12 tháng, và ông đã giữ đúng lời hứa. Điều này giống như một lời cam kết thay đổi của ông lớn công nghệ tới các nhà đầu tư. Bởi ngay sau tuyên bố rút lui của Ballmer, giá cổ phiếu Microsoft đã tăng ngay 9%.
Dù mắc phải những sai lầm trên cương vị cao nhất của Microsoft nhưng không thể phủ nhận tình yêu, sự cống hiến của Steve Ballmer cho công ty. Ông khóc tại tiệc chia tay, và trong bức thư gửi lại cho toàn thể nhân viên khi giã từ chiếc ghế CEO, Ballmer đã nhắn nhủ: “Tôi sẽ dành 4% cổ phần còn lại của Microsoft để cho hoạt động từ thiện lúc cuối đời, hoặc giữ cho đến tận lúc chết”.
Leave a Reply