5 lý do khiến bạn nằm trong “danh sách ghét” của nhà tuyển dụng
Việc xen cảm xúc cá nhân vào công việc có thể cho thấy một người thiếu chuyên nghiệp và thiếu đi sự chín chắn
1. Rải CV cho các vị trí khác nhau trong công ty
Thay vì đọc kỹ yêu cầu tuyển dụng, tìm hiểu rõ về công ty, công việc mà mình ứng tuyển, có rất nhiều ứng viên lại “rải thông tin” đến hàng chục công ty và chỉ dùng một mẫu CV, thậm chí còn áp dụng cho nhiều vị trí trong công ty. Đây là một trong những sai lầm khi tìm việc trực tuyến. Bởi lẽ các nhà tuyển dụng thường không có cảm tình với những hồ sơ CV chuẩn bị theo dạng “sản xuất hàng loạt” như vậy. Chưa kể đến việc khi bạn gửi hàng loạt hồ sơ đồng nghĩa với việc bạn không có sự chuẩn bị đầy đủ nhất về thông tin công ty, công việc ứng tuyển, sản phẩm, dịch vụ và thị trường, các điểm mạnh – yếu của công ty, lý do tại sao công ty lại tuyển dụng bạn, mang theo những thứ cần thiết khi đi phỏng vấn…
Vì vậy, hãy chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng, tập trung vào vị trí phù hợp tại những công ty khác nhau, bạn mới có thể gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho chính mình.
2. Không yêu cầu đặt bất kỳ câu hỏi nào trong khi phỏng vấn
Khi đi phỏng vấn, có nhiều ứng viên cho rằng nhiệm vụ của mình chỉ là lắng nghe câu hỏi của nhà tuyển dụng và cố gắng trả lời chúng một cách ấn tượng nhất. Vậy nên khi được đề nghị đặt câu hỏi ngược lại, họ cảm thấy lúng túng và không có cách trả lời phù hợp. Đây cũng được coi là một trong những phần chuẩn bị trước khi bạn bước vào vòng phỏng vấn. Người phỏng vấn luôn hy vọng rằng bạn sẽ có những câu hỏi để hỏi ngược lại họ và nếu bạn ấp úng chẳng biết hỏi gì, thì họ cho rằng bạn không chuẩn bị cho cơ hội làm việc một cách nghiêm túc.
Vậy nên đừng tỏ ra lúng túng, cũng đừng lắc đầu từ chối đặt câu hỏi cho người phỏng vấn. Hãy xem đây là một cơ hội vàng để biết thêm thông tin và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, trở thành một ứng cử viên sáng giá cho vị trí mà bạn phỏng vấn.
3. Thể hiện cảm xúc cá nhân
Cho dù bạn cảm thấy như thế nào, vui mừng hay chán nản thì cũng đừng thể hiện cảm xúc đó ra ngoài, giữ thái độ chăm chú, bình tĩnh và cố gắng tỏ ra quan tâm đến cuộc nói chuyện. Thái độ trong suốt buổi phỏng vấn có thể tiết lộ tính cách và khả năng của bạn khi làm việc.
Việc xen cảm xúc cá nhân vào công việc có thể cho thấy một người thiếu chuyên nghiệp và thiếu đi sự chín chắn. Vậy nên điều bạn cần phải làm là kiểm soát cảm xúc cá nhân, cư xử lịch sự và công bằng. Có như vậy, bạn mới không bị nằm trong “danh sách đen” của nhà tuyển dụng.
Việc xen cảm xúc cá nhân vào công việc có thể cho thấy một người thiếu chuyên nghiệp và thiếu đi sự chín chắn
4. Che giấu thông tin cần thiết
Che giấu những thông tin tiêu cực về bạn không phải là cách hay trong buổi phỏng vấn. Hãy chuyên nghiệp, nhưng chân thật. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể biết được những điều đó dù sớm hay muộn thông qua mạng xã hội, mạng lưới quan hệ hay qua công ty cũ của bạn. Nếu nhà tuyển dụng bóc mẽ bạn ngay trong buổi phỏng vấn, cơ hội có việc làm của bạn gần như là con số 0 tròn trĩnh. Chẳng có ai muốn thuê người mà họ không tin tưởng cả.
Vì vậy, nếu được hỏi, bạn không nên từ chối trả lời hoặc phủ nhận vì điều này có thể khiến bạn ngay lập tức bị loại khỏi vòng phỏng vấn. Hãy lựa chọn từ ngữ phù hợp và thừa nhận sai lầm của mình. Đừng quên rút ra bài học và cách bạn vượt qua sau những thất bại đó. Điều này thậm chí còn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn cả những lời hoa mỹ khác.
5. Quên thông tin liên lạc của bạn
Có thể bạn cho rằng điều nhà tuyển dụng quan tâm là kỹ năng làm việc, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm bản thân,… Tuy nhiên, một trong những điều cơ bản mà các ứng viên hay bỏ quên chính là thông tin liên lạc. Thực tế, nhà tuyển dụng có cách để liên hệ với bạn, nhưng họ chỉ làm vậy nếu bạn thực sự xuất sắc. Còn nếu không, họ dễ dàng loại bỏ bạn bởi điều này cho thấy bạn là người thiếu cẩn thận và chuyên nghiệp.
Leave a Reply