Mẹo giải thoát khi bị chê trong công việc
Một số người thích được nhận xét ngay khi sự việc xảy ra, một số khác muốn chờ một thời gian. Một số người thích đi vào chi tiết, một số thích những nhận xét tổng
Những lời chê có nhiều dạng khác nhau và có nhiều mục đích khác nhau, mà phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, thứ mà bạn có thể kiểm soát là cách phản ứng như thế nào trước những lời chê đó. Liệu bạn có giữ được “cái đầu lạnh” và sự bình tĩnh hay bạn sẽ phản ứng một cách nóng nảy, vội vã? Cách phản ứng nóng này có thể đem lại cho bạn những hậu quả không tốt trong công việc.
Thái độ bình tĩnh khi gặp phải sự phản hồi không dễ chịu là một đặc điểm của tính chuyên nghiệp thực sự. Để làm được điều đó, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
1. Tự giải thoát mình khỏi tình huống bị chỉ trích
Nếu có thể, hãy bình tĩnh tự giải thoát mình khỏi sự có mặt của người chê bạn. Bạn chỉ cần nói một câu đơn giản, chẳng hạn như: “Cảm ơn vì lời nhận xét của anh/chị. Anh/chị có thể cho tôi xin phép ra ngoài một lúc được không?”
Có thể sẽ rất, rất khó để bạn kiểm soát cảm xúc khi bị chỉ trích một cách nặng nề, nên bạn không cần phải cố gắng để làm điều đó. Chỉ cần bạn rút lui một cách lịch sự nhất có thể.
Nếu bạn đang ở trong một cuộc họp và không thể ra ngoài, hãy giữ bình tĩnh bằng cách giải thoát tinh thần và nghĩ về những thứ làm cho bạn hạnh phúc: những người thân nhân của bạn, chú chó cưng của bạn, kỳ nghỉ sắp tới của bạn.
2. Trút giận, nhưng nên thận trọng khi chọn người nghe bạn trút giận
Nhiều người có thể xả giận bằng cách nói với người khác về chuyện làm cho họ tức giận. Đây là một cơ chế đối phó tuyệt vời, nhưng có điểm bạn cần lưu ý. Thứ nhất, nếu có thể, đừng xả giận bằng cách nói với đồng nghiệp. Làm sao bạn biết người đồng nghiệp đó có trung thành với bạn hay không, hoặc có thể anh/cô ấy không phải là một người giỏi giữ bí mật.
Thứ hai, nếu người đồng nghiệp đó là người bạn tốt nhất của bạn và là người đầu tiên mà bạn nghĩ đến khi muốn trải nỗi lòng, thì bạn cũng không nên nói chuyện này ở công ty.Tệ nhất là có một ai đó nghe thấy những lời phàn nàn của bạn về việc bạn bị chê rồi nói lại với người đã chỉ trích bạn, và điều đó sẽ bất lợi cho bạn. Bởi vậy, hãy đợi cho tới hết giờ làm việc và đi đến một nơi khác rồi mới nói.
3. Tìm hiểu thêm thông tin
Khi đã cảm thấy bình tĩnh trở lại, hãy tìm gặp người đã chê bạn. Chắc chắn là bạn không muốn gặp lại người này, nhưng hãy cố gắng. Kiểu giao tiếp của mỗi người là khác nhau. Thứ mà bạn cho là phê bình, chỉ trích, có thể chỉ là những lời nhận xét trong cách nhìn nhận của người đó.
Hãy dành ra một khoảng thời gian nói chuyện riêng với người đã chê bạn để hỏi những câu hỏi liên quan tới những gì mà người đó đã nói. Nói với họ là bạn đang cố gắng để học hỏi nhiều nhất từ lời nhận xét của họ, và hỏi những câu đại loại như “Liệu anh/chị có thể cụ thể hơn về… không?” hoặc “Tôi hiểu ý của anh/chị là… Tôi nghĩ vậy có đúng không?” Rất có thể, bạn sẽ phát hiện ra rằng, họ hoàn toàn không có ý chê bạn chút nào.
4. Xác định xem bạn có thể học được gì từ lời chê
Đây cũng là bước mà bạn chỉ nên thực hiện khi đã cảm thấy thực sự bình tĩnh. Ngay cả những lời chỉ trích nặng nề nhất cũng có bài học nào đó mà bạn có thể áp dụng để đưa mình trở thành một người tốt hơn.
Để rút ra được bài học từ lời chê, hãy suy nghĩ kỹ về lời chê đó. Thử nhắc lại lời chê đó với nội dung tương tự nhưng loại bỏ yếu tố giận giữ. Chẳng hạn, nếu sếp nói: “Bản báo cáo này không thể chấp nhận được. Đứa con gái học lớp 3 của tôi cũng có thể làm tốt hơn!” (Đây là là một lời chê thô bạo, nhưng thử xem nội dung cốt lõi của nó là gì).
Nếu loại trừ yếu tố cảm xúc, lời chê này có thể là: “Bản báo cáo này khiến tôi cảm thấy thất vọng. Có nhiều lỗi ở đây hơn mức tôi có thể chấp nhận. Báo cáo này không rõ ràng như tôi mong muốn”.
Xác định được điều gì bạn có thể học từ lời chê có thể giúp bạn có các bước hành động để cải thiện chất lượng công việc và tránh bị chỉ trích trong tương lai.
5. Xác định xem bạn hợp nhất với cách bị nhận xét như thế nào
Như vậy, bạn đã rõ mình sẽ phải nghe những lời chê trong suốt cả sự nghiệp. Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo rằng những lời chê (nhận xét) đó mang tính xây dựng và có ích cho bạn là bạn cần phải lên kế hoạch trước. Bạn có thể tiếp nhận những lời chê một cách hiệu quả nhất vào lúc nào và như thế nào?
Một số người thích được nhận xét ngay khi sự việc xảy ra, một số khác muốn chờ một thời gian. Một số người thích đi vào chi tiết, một số thích những nhận xét tổng quan… Vậy, hãy xác định xem, đối với bạn, cách nào là hiệu quả nhất.
Sau đó, hãy để sếp, hoặc những người hay nhận xét về bạn, biết điều đó. Một khi đã biết được bạn có thể tiếp nhận những lời nhận xét vào lúc nào và bằng cách nào là tốt nhất, chắc chắn họ sẽ áp dụng nếu đó là những người có thiện ý.
Để truyền tải được ý muốn của mình, bạn có thể nói: “Cảm ơn vì đã nhận xét. Tôi thực sự đánh giá cao lời nhận xét của anh/chị. Nhưng lần sau, tôi muốn anh/chị nói riêng/viết thư… cho tôi. Liệu anh/chị có thể phản hồi theo cách như vậy được không?”
Những lời chê có thể khó nghe, nhưng cũng có thể giúp ích không nhỏ cho sự nghiệp của bạn. Hãy nhìn nhận những lời chê dưới một góc độ khác và xử lý chúng một cách thật hiệu quả.
Leave a Reply