Liệu bạn đã học được gì từ trường đại học?
Cái vui ở đây là các bạn trẻ này lại là người Việt, thường là du học sinh, biết rất rõ nơi mình xin việc là nhà hàng Việt Nam, và người mà mình nhắn tin là chủ hay
Bài viết của anh Lý Quí Trung (Phở 24) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
Tôi đã học được gì từ trường đại học và có phải nhờ học đại học mà tôi có được một chút gọi là thành công như ngày hôm nay? Đây là câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng để trả lời nó một cách đầy đủ và công bằng thì không đơn giản chút nào.
Trước hết, có rất nhiều người không học đại học hoặc có học nhưng bỏ ngang giữa chừng nhưng vẫn vô cùng thành công. Điều này rõ ràng chứng minh chuyện học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, hay nói khác đi, không có gì bảo đảm là cứ có ăn học bài bản là chắc chắn sẽ thành công. Vì sự thất bại chưa bao giờ biết phân biệt đối xử, cứ làm không tốt, không đúng là sẽ thất bại thôi.
Tôi nghĩ kiến thức tiếp thu được từ bài vở trong suốt quá trình đại học không quan trọng bằng kiến thức và kinh nghiệm tiếp thu từ những thứ xung quanh nằm ngoài bài vở. Chính những thứ xung quanh này mới tạo nên sự khác biệt, làm cho người này thành công hơn người kia, và điều này cũng giải thích tại sao nhiều người không học đại học mà cũng thành công vang dội. Vì họ biết học và hành rất giỏi những thứ xung quanh này, mà người ta gọi là “soft skills” hay kỹ năng mềm.
Nói điều này không phải tôi phủ nhận vai trò của kiến thức chuyên môn mà chỉ muốn nhấn mạnh kiến thức chuyên môn chỉ là nền tảng, là bệ phóng chứ không làm cho con thuyền đi vào vũ trụ được.
Vượt qua được các vòng tuyển chọn nhân sự để lấy được cái job cũng nhờ soft skills. Được thăng chức cũng nhờ soft skills. Ký được một hợp đồng thương mại hay hợp tác làm ăn cũng nhờ rất nhiều đến soft skills. Xây dựng công ty hay xây dựng thương hiệu quá nhờ đến soft skills. Cái gì cuối cùng cũng có dính đến khả năng giao tiếp, ứng xử, trình bày, thuyết phục…
Vậy mà tôi thấy rất nhiều bạn trẻ không để ý trui rèn kỹ năng này trong những ngày bước chân vào đời, đặc biệt là trong lúc còn đang được sống trong môi trường đại học, một môi trường hoàn hảo để học hỏi trui rèn kỹ năng mềm.
Có dịp tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ du học sinh VN và các nước trong môi trường đại học và trong môi trường làm việc hàng ngày tôi cảm nhận rất rõ sự khác biệt. Không cần phải là thầy bói hay thầy tướng số, tôi cũng có thể nói ngay em nào sau này sẽ thành công, hay ngược lại. Nó thể hiện ngay trong những dòng tin nhắn, trong email, trong cung cách chào hỏi, ngôn từ, cái bắt tay, lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc và cách ứng xử nhiều tình huống khác nhau.
Có những em sao mà giỏi thế, vừa học vừa làm, mắt mở to để cái gì cũng học, cũng dấn thân. Lại ăn nói lịch sự, văn minh, thử hỏi sau này làm sao mà thất bại được. Ngược lại, có những em thật lôi thôi, xin việc bằng một tin nhắn cộc lốc kiểu như “Hi bro, do you still hiring?” (tạm dịch: hello người anh em, bạn còn thuê người không?).
Cái vui ở đây là các bạn trẻ này lại là người Việt, thường là du học sinh, biết rất rõ nơi mình xin việc là nhà hàng Việt Nam, và người mà mình nhắn tin là chủ hay quản lý người Việt chắc chắn là lớn tuổi hơn mình. Rồi cũng có khi gửi đơn xin việc đàng hoàng hơn nhưng khi người ta trả lời tuyển chọn thì chả thèm hồi âm, đả động gì vì chắc đã tìm được một chỗ khác rồi. Một tin nhắn cộc lốc lúc này cũng không thấy.
Nhớ thời còn học năm thứ nhất đại học, được ông thầy dạy môn marketing rủ đi đánh tennis với nhóm của các thầy vào sáng sớm là tôi trả lời “Dạ” ngay. Không phải vì sợ thầy mà vì thấy vui khi được thầy rủ như vậy nên sáng sớm 5-6 giờ trời lạnh ngắt mà cũng cố gắng bước ra khỏi giường để chạy ra sân với thầy. Bây giờ nhớ lại thấy quí kỷ niệm này và nhận ra đó chính là một dạng xã giao “soft skill” mà mình đã biết trân quí khi còn ở tuồi sinh viên. Biết trân trọng những thứ đáng trân trọng tính ra cũng đáng để lưu ý và trui rèn.
Cho nên nếu có phải cho một lời khuyên đối với các bạn du học sinh Việt Nam thì tôi sẽ nói là hãy học hỏi tất cả những điều hay đẹp xảy ra xung quanh mình trong thời gian du học, chứ không phải chỉ chữ nghĩa từ sách vở. Học từ cách ăn nói, cách ăn mặc, cách đi đứng, cách xã giao, cách hành xử, cách chơi của thầy cô, của những người thành đạt xung quanh.
Đừng học những cái xấu, cái dở ở đây, những cái nửa tây nửa ta sau này không biết ứng dụng ở đâu cho phù hợp. Kiến thức và kinh nghiệm thu nạp được cũng giống như thóc bỏ vào thúng, càng đầy càng tốt. Còn những thói quen xấu cũng như cái lỗ dưới đáy thúng, càng nhỏ càng tốt. Làm sao đi học về mà cái thúng chứa đầy thóc, ít ra cũng được một nửa, chứ không khéo thì không còn hạt nào trong thúng!
Những hạt thóc mất đi không hẳn là kiến thức mà là những cơ hội thàng công.
Leave a Reply